Cây Nhàu Là Cây Mà Sử Dụng Hết Từ Ngọn Đến Rễ Không Bỏ Phần Nào
Ai đã từng về miền Tây đôi ba lần mới thấy con người miền Tây thật phóng khoáng, sông nước miền Tây thật hữu tình và sản vật miền Tây thật phong phú với bốn mùa cây trái xum xuê. Dòng Cửu Long chín nhánh hiền hòa ngày đêm miệt mài chuyên chở phù sa đã dung dưỡng cho vùng đất trù phú này cơ man không biết bao nhiêu loại cây từ cây lương thực, cây ăn trái, ngũ cốc, … và cả những cây thuốc quý. Trong số đó không thể không nhắc đến cây nhàu – một vị thuốc quý được xếp hàng thứ hai về dược tính điều trị bệnh của Đông y.
Cây nhàu ưu khí hậu nóng ẩm, và thích nương mình theo những triền sông mát mẻ nên loài cây này đã chọn cho mình vùng đồng bằng nam bộ để sinh sôi nảy nở. Trong đó, có thể nói Hậu Giang là thủ phủ của loại cây này vì khí hậu, vị phù sa mặn mòi và thổ nhưỡng nơi đây vô cùng thích hợp cho cây nhàu phát triển. Không biết giống cây này có từ bao giờ nhưng từ khi ông bà ta biết ăn trái nhàu chấm muối sẽ giúp làm giảm các cơn đau nhức xương khớp thì cây nhàu đã sừng sững, hiên ngang đứng đấy như để phô diễn sức sống mãnh liệt của mình. Đa phần nhàu thường mọc hoang theo các mép sông, không cần chăm sóc cây vẫn có thể phát triển tốt. Có lẽ vì thế mà không phải ở đâu cũng trồng được nhàu bởi loài cây này vốn ưa sự tự do, phóng khoáng không thích bị gò bó trong chậu sành, chậu sứ. Dân dã, hoang sơ là thế đấy nhưng liệu mấy ai biết rằng sau cái vẻ ngoài thô kệch đến xấu xí ấy, nhàu lại là một vị thuốc vô cùng quý giá mà cả thế giới đều phải công nhận.
Người miền Tây hay đùa nhau rằng: “Đố mày biết cây gì mà ăn tuốt từ ngọn đến rễ không bỏ phần nào?”, để rồi cùng nhau cười ha hả khi đáp án đơn giản là cái cây có mùi hôi kinh khủng đang thong dong thả hồn theo mây nước ngoài mé sông kia kìa. Nói thế để thấy cây nhàu đã gắn bó mật thiết như thế nào với cuộc sống khó nhọc của bà con quê mình. Đối với họ, cây nhàu thật phiền phức, thật rắc rối nhưng ai chẳng đôi lần hái nhàu chấm muối vừa ăn vừa xuýt xoa, nhăn nhó để rồi nó như là một thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ nên dù ghét đấy, dù nhìn ngứa mắt lắm nhưng mấy ai nỡ đốn bỏ cây đâu.
Ôi mà nghĩ cũng đúng thật đấy, chưa thấy loại cây nào mà từ gốc đến ngọn đều có khả năng trị bệnh như cây nhàu. Muốn biết cụ thể như thế nào, mời các bạn cùng tôi điểm qua một vài thông tin thú vị dưới đây nhé.
Lá nhàu – ăn rau mà nên thuốc
Lá nhàu có bản to, rộng, mép dài, sống lá to, thường mọc đối xứng nhau qua các cành. Lá có vị đắng nhẫn nên thường không dùng để ăn sống mà phải qua chế biến mới dùng được. Người miền Tây hay luộc lá nhàu ăn thay rau, hoặc xào lá nhàu với các loại thịt ếch, nhái, trâu, bò, … hay công phu hơn có thể dùng um với lươn hoặc gói với thịt bằm rồi đem hấp nước cốt dừa. Toàn những món đặc sản, thưởng thức một lần rồi thì không sao quên được. Không phải tự nhiên mà dân mình dùng lá nhàu trong các bữa cơm đâu nhé, mà cốt vì lá ăn lá nhàu có thể trị được bệnh bởi thế mới có câu ăn rau nên thuốc đấy ạ. Lá nhàu có tác dụng tăng lực, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, giúp vết thương mau lên da non, sắc uống chữa đi lỵ và điều hòa khí huyết cơ thể. Các bác lớn tuổi còn dùng lá nhàu tươi hoặc sao khô rồi nấu nước uống thay trà.
Trái nhàu – khắc tinh của chứng đau khớp nhức xương
Hoa nhàu màu trắng, nhỏ li ti, thường mọc thành từng cụm. Cây ra hoa quanh năm nhưng rộ nhất là từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Sau khi hoa rụng hết, mấy trái nhàu non sẽ nhú lên. Trái nhàu non có màu xanh, vỏ xù xì. Theo thời gian, trái nhàu phát triển dài ra, chuyển sang màu xanh nhạt, rồi ngả vàng và đổi sang màu trắng ngà khi chín hẳn. Trái nhàu chín có vỏ nhẵn, bên trong là phần thịt mềm có nhiều hạt màu đen hình bầu dục. Theo Đông y, trái nhàu có tác dụng nhuận tràng dùng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, cảm ho, đau nhức gân, tiểu đường, hỗ trợ hệ miễn dịch, kháng viên, trị đau nhức xương khớp, …
Có rất nhiều cách để sử dụng trái nhàu. Đơn giản nhất là ăn trái nhàu với muối hột như một loại trái cây. Phức tạp hơn một chút là đem trái nhàu ngâm với đường phèn dùng như một dạng si rô. Chị em phụ nữ thích đem nhàu ngâm với ít đường rồi vắt lấy nước cốt dùng dần. Đàn ông lại khoái ngâm nhàu với rượu để lai rai vài chung trong các bữa cơm. Tại Việt Nam và một số nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, … thường đem quả nhàu phơi hoặc sấy khô dùng làm trà uống với mục đích vừa giải khát vừa trị bệnh thay vì ăn trái nhàu hay uống nước sắc từ rễ cây nhàu.
Vỏ cây nhàu – bài thuốc bổ máu dưỡng khí
Đừng vứt đi vỏ cây nhàu bạn nhé vì đây là một vị thuốc vô cùng hiệu quả giúp bổ máu, hoạt huyết, dưỡng khí cho cơ thể. Đặc biệt, chị em phụ nữ sau khi sanh nên dùng vỏ nhàu nấu nước uống sẽ giúp bồi bổ cơ thể nhanh phục hồi về trạng thái khỏe khoắn.
Rễ nhàu – điều hòa huyết áp, làm êm dịu thần kinh, giảm đau nhức
Cây nhàu có một bộ rễ khá lực lưỡng, rễ nhàu màu nâu sẫm, rễ chính rất to xung quanh có nhiều rễ phụ. Rễ nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, làm êm dịu thần kinh, giảm đau nhức, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giải độc cơ thể và hạ huyết áp. Ngoài ra, rễ nhàu còn tác dụng hỗ trợ điều trị chứng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, bạch đới, chống băng huyết ở phụ nữ sau sinh.
Dân mình hay lấy rễ của những cây nhàu già, đem rửa sạch rồi xắt thành từng lát mỏng, sau đó đem phơi hoặc sấy khô. Có thể dùng ngâm rượu. Nên dùng rượu nhàu trước các bữa ăn để khích thích vị giác giúp ăn ngon miệng hơn. Phụ nữ không uống được rượu có thì nên đun sôi rễ nhàu với nước dùng uống mỗi ngày thay trà. Bật mí thêm, bà ngoại tôi hay bỏ rễ nhàu vào nồi thịt kho tàu để nước kho thịt thơm và ngọt thanh hơn, đặc biệt là có màu vàng nâu cánh gián rất đẹp mắt. Thú vị quá đúng không nào.
Càng tìm hiểu tôi lại càng cảm thấy thương thương cây nhàu làm sao ấy. Thương vì cái vẻ ngoài mộc mạc, chất phác đến thô kệch. Thương vì cái đặc trưng. Thương vì cái tâm mà cây mang đến cho đời giống như một vị thầy thuốc tuy có vẻ ngông nghênh đấy nhưng lại âm thầm chữa bệnh cứu giúp người. Hy vọng những chia sẻ của tôi có thể giúp bạn hiểu thêm về cây nhàu và tác dụng chữa bệnh của cây. Hãy chung tay bảo vệ giống cây này và lan tỏa giá trị của nó đến những người đang cần bạn nhé.
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết của thư viện trái nhàu.